LỰA CHỌN GIÁO VIÊN IELTS NHƯ NÀO CHO “CHUẨN”
(Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt)

Làm thế nào để chọn được một giáo viên tốt luôn là câu hỏi khiến rất rất nhiều bạn trẻ đau đầu khi bước vào con đường học tiếng Anh. Người thầy tốt không khác nào cứu cánh của cuộc đời bạn vậy. Thời sinh viên, mình đã từng rất ngáo ngơ về tiếng Anh, đã từng nghĩ mình chẳng thể nào học nổi… Mình đã tham gia một vài khoá học vài tháng, rồi lại bỏ vì không hiệu quả. Cuối cùng, sau 3 năm đại học, tiếng Anh của mình vẫn chỉ dừng lại ở mức trung bình – yếu. Tuy nhiên, điều đó đã hoàn toàn thay đổi khi mình gặp cô giáo cũ của mình, để rồi đạt 7.0 IELTS khoảng 2 năm sau đó. 

Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm lựa chọn giáo viên dựa trên hành trình đến với IELTS của mình. Và trong đó, cô giáo đầu tiên là người ảnh hưởng tới mình nhiều nhất.

Về cô giáo dạy IELTS đầu tiên, chị chỉ hơn mình 2 tuổi, học cùng trường nên mình biết chị dạy tiếng Anh cũng như phụ đạo một số môn cho mấy thanh niên kiểu “tháng sau thi rồi, bắt đầu học thôi”. Mình biết đến chị qua group của trường với những thông tin khá đơn giản, không mang nhiều tính quảng cáo, chỉ là 1 bài post về mở lớp dạy IELTS. Điều gì khiến mình đặt niềm tin vào một giáo viên còn chưa có tên tuổi, mới dạy được khoảng 1 năm như vậy?

◼️ Thứ nhất: Có trình độ chuyên môn và hiểu tâm lý học sinh

Lần gặp đầu tiên, mình làm bài test khoảng 1 tiếng và sau đó, chị dành thời gian để nói chuyện với mình. Mình biết thêm, chị cũng đã có thời gian y như mình vậy, từ con số 0 lên 7.5 mất khoảng 3 năm cày cuốc cật lực. Chị bảo “Người ta thường chỉ nhìn vào điểm số của mình chứ người ta đâu biết mình mất bao nhiêu đêm thức trắng vì việc học đâu”. Và quá trình từ lúc bắt đầu tới lúc thi như nào chị đều chia sẻ một cách tự nhiên và đôi khi “hồn nhiên”, “đời thường” nhất.

Đó, người thầy tốt với mình là người hiểu tâm lý học sinh trong từng giai đoạn: Lúc mới bắt đầu họ cần gì, học như nào là tốt nhất, lúc chán nản họ cần gì. Khi ấy mình mới nhận ra thứ mình cần là một người đồng hành – đã từng bình dân như mình, đã từng chán nản như mình và cho mình cái niêm tin là mình sẽ làm được. Như vậy, người đó sẽ rất hiểu tâm lý và cách học của mình đồng thời có phương pháp giúp mình hạn chế tối đa lỗi sai như những gì họ đã trải qua.

Với người mới bắt đầu, target tầm 5.0-5.5, bạn có thể chọn giáo viên có IELTS 7.5. Còn nếu target của bạn là 7.0+, hãy chọn giáo viên có IELTS từ 8.0 trở lên (các kỹ năng đều trên 8.0). Mình có một bài học rút ra là không nên quá tin vào trợ giảng có IELTS 6.5 hay 7.0 bởi ở thang điểm đó, thường họ chưa đủ kỹ năng sư phạm để truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất và đôi lúc khiến bạn bị rối kiến thức.

◼️ Thứ hai: Độ chuyên nghiệp

Tiếp tục câu chuyện về cô giáo cũ của mình, chị mới dạy được khoảng 1 năm nên rất muốn có những học viên đầu tiên đạt 6.0 trở lên để khẳng định mình. Và thế là gần như mọi tâm huyết của chị dồn vào nhóm của bọn mình. Khoá đầu, mình được xếp vào lớp Pre-IELTS, học trong hơn 3 tháng. Lớp mình học 3 buổi/tuần, mỗi buổi 2 tiếng còn khoá sau là luyện thi, học khoảng 5 tháng với 3 tiếng mỗi buổi (nghĩ lại căng thực sự). Thật ra thì trình độ của mình khi ấy chưa đủ để học Pre-IELTS nhưng khoá đó cũng có 1 tháng để ôn lại kiến thức cơ bản nên mình được cho vào lớp đó luôn.

Qua quá trình học và làm việc ở một vài trung tâm Anh ngữ, mình nhận thấy độ chuyên nghiệp của một giáo viên, một trung tâm theo mình sẽ được thể hiện theo các mốc thời gian sau:

◾️ Trước khi học: Đánh giá và phân tích chi tiết từng kỹ năng của học viên. 

Bạn hãy nghe kỹ thầy cô đánh giá về mình nhé, đừng có ngại. Nếu người đó hiểu bạn thì ok, bạn chọn đúng người rồi đó. Nhớ là đánh giá chi tiết chứ không phải chung chung nhé. Thông thường, với từng kỹ năng chính sẽ có một vài kỹ năng phụ (sub-skills), chẳng hạn như kỹ năng SPEAKING sẽ có các kỹ năng/thông số phụ như hiểu câu hỏi, trả lời đúng ý, phát âm, biết mở rộng ý,… Càng chi tiết, bạn càng biết mình đang thiếu và yếu ở đâu.

Tiếp theo, ngoài việc phân tích trình độ, thầy cô cần có một lộ trình phù hợp với cường độ phù hợp để bạn đạt được mục tiêu. Bạn cũng nên giới hạn thời gian cho mình, sau bao lâu sẽ đạt bao nhiêu điểm, tránh việc học mãi mà không tới đích. Cô giáo của mình cũng vẽ ra cho mình lộ trình khoảng 9 tháng (2 khoá) để đạt 6.0 và mình thấy khoảng thời gian đó là hợp lý, không bị quá dài bởi mình chỉ còn khoảng 1 năm trước khi tốt nghiệp đại học.

◾️ Trong khi học:
Trước hết, phải nói rằng việc có học nghiêm túc hay không vẫn là ở bạn. Nhưng giáo viên thực sự là người ảnh hưởng lớn đến việc bạn có cảm hứng học tập trong một thời gian dài hay không. Điều đó dựa vào cách dạy và cách giáo viên đồng hành cùng học sinh. Như mình đây, dù lịch học khá dày nhưng hôm nào cũng “tưng tửng” đến lớp. Lớp có mấy đứa nói chuyện hợp, có cùng mục tiêu rồi cô giáo cũng “teen”  nên việc học rất thoải mái. Khi ấy mình thích đến lớp hơn ở nhà, bởi ở nhà lắm lúc bí, lại còn phải chống chọi bệnh lười.

Tuân thủ lộ trình và kết quả học tập luôn là hai tiêu chí quan trọng nhất mà các bạn phải yêu cầu ở giáo viên. Để đánh giá việc này, thường sẽ có 2 bài kiểm tra lớn vào giữa khoá và cuối khoá. Các bài kiểm tra đó không phải dạng đánh đố, kiểu như bạn đang học Pre-IELTS mà giữa kỳ lại cho ngay bài thi thật và bạn cảm giác quá khó, thì nên xem xét lại nhé. Bài đánh giá như vậy sẽ không thể hiện đúng trình độ của bạn ở thời điểm ấy.
Bên cạnh đó, mình cũng rất để ý độ tái lặp của kiến thức. Tái lặp chứ không phải lặp lại nhé. Lặp lại là bạn đọc 1 từ hàng chục lần. Còn tái lặp có nghĩa là từ đó xuất hiện trong nhiều trường hợp khác nhau. Chẳng hạn bạn học nói có từ “apple”; học viết cũng có chủ đề hoa quả, lại có từ “apple”; học nghe cũng có đoạn hội thoại về nấu ăn, lại xuất hiện từ “apple”. Cứ như thế, “apple” dần trở thành một từ quá quen thuộc trong tâm trí của bạn, bạn không cần cố gắng để nhớ nó. 

◼️ Thứ ba: Quan tâm sát sao học viên

Điều này thể hiện xuyên suốt quá trình học. Bạn hãy để ý xem người thầy của bạn có thực sự mong bạn tiến bộ hay không, có thực sự giải quyết được những vấn đề của bạn hay không. Và một thứ quan trọng nữa, khi đang ôn thi, bạn có nhận được sự động viên, sự trợ giúp tích cực từ người thầy của bạn chứ?
Mình tin là một người thầy tốt sẽ mang lại nhiều giá trị hơn bạn mong đợi. 

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hi vọng, người thầy mà bạn cần “tìm” sẽ không lẩn “trốn” đi đâu cả ^^

Chia sẻ từ My – SunUni

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn