Trong giáo dục, chúng ta luôn hướng tới “đáp ứng đa dạng nhu cầu” của người học. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức giáo dục vẫn chưa thực sự nắm rõ nhu cầu của người học. Minh chứng rõ nhất là các hình thức học tập còn hạn chế, bộc lộ nhiều điểm yếu trong cách dạy và học. Vậy các nhu cầu cũng như các hình thức học tập mới hiện đã biến đổi như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây.

1. Lớp học truyền thống (Offline)

Đây là mô hình học tập đã xuất hiện từ lâu và rất phổ biến trong các trường học, trung tâm tại Việt Nam. Học sinh trong một lớp sẽ được tương tác trực tiếp với giáo viên (face-to-face) để được truyền đạt kiến thức.

Riêng với bộ môn ngoại ngữ, mô hình này vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong trường học khi sĩ số lớp quá lớn dẫn đến không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Đó là lý do nhiều trung tâm Anh ngữ hay các lớp học thêm xuất hiện ngày một nhiều. Ở đó, học sinh sẽ được học với sĩ số lớp ít hơn, tương tác nhiều hơn và được thầy cô chăm chút tỉ mỉ hơn. Theo nhiều chuyên gia, để tối ưu hiệu quả, một lớp học ngoại ngữ thông thường sẽ có ít hơn 15 học sinh và tốt nhất là dưới 10 học sinh. 

Ngoài vấn đề về sĩ số, lớp học truyền thống còn một số điểm cần cải thiện để nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người học:

– Áp dụng công nghệ 4.0 trong mô hình học tập giúp gia tăng tương tác. Tương tác là một trong những yếu tố quan trọng để học ngoại ngữ thành công. Hiện nay, ngoài việc tạo ra những slide đẹp để giảng bài, giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ để xây dựng nhiều loại hoạt động tương tác giúp học sinh học tập hiệu quả hơn.

– Áp dụng số hoá 

Số hoá có thể hiểu nôm na là áp dụng công nghệ với mục đích thống kê và phân tích. Chẳng hạn việc thống kê kết quả học tập từng ngày sẽ giúp giáo viên dễ dàng đánh giá và cải thiện tình trạng học tập một cách nhanh nhất, tránh việc đánh giá dựa vào cảm tính của thầy cô.

2. Homeschooling

Homeschooling là mô hình giáo dục tại nhà, còn có tên gọi khác trong tiếng Anh là “home education”, được phát triển mạnh từ những năm 1970. Theo nghiên cứu của Viện giáo dục Mỹ, hiện có hơn 2 triệu học sinh tại đây được học theo mô hình mới này và tỷ lệ các gia đình lựa chọn homeschooling cho con tăng 7% đến 15% mỗi năm.

Giáo dục tại nhà hiện chưa được công nhận tại Việt Nam bởi vậy mà định nghĩa “homeschooling” ở Việt Nam cũng khác so với ý nghĩa ban đầu của thuật ngữ này.

Ở nước ngoài, homeschooling được công nhận, có nghĩa là sau khi học xong, học sinh sẽ có bằng cấp tương tự với học truyền thống ở trường. Còn ở Việt Nam, học sinh phải học ở trường và homeschooling chỉ được coi như một hình thức song song, mang mục đích riêng của gia đình. 

Phụ huynh lựa chọn Homeschooling cho con vì một số lý do sau:

– Muốn con được học những chương trình chuyên biệt không có tại Việt Nam, thường với mục đích du học sớm.

– Không quan trọng điểm số trên lớp, định hướng con theo cách riêng của bản thân. Một phần cũng là muốn giảm bớt áp lực học hành, thi cử đang quá nặng ở các trường học.

– Nhiều gia đình có mẹ nội chợ ở nhà nên muốn bên cạnh con nhiều hơn. Do đó sẽ lựa chọn homeschooling thay vì cho con đi học thêm.

– Con bị tàn tật hoặc bị một số vấn đề về chậm phát triển

Dù chưa được công nhận nhưng homeschooling đang được áp dụng nhiều tại Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu học tập khá khác biệt của một bộ phận các gia đình có tư tưởng hiện đại, có nguồn tài chính tốt. Trong tương lai, khi homeschooling được công nhận, mô hình học tập này hứa hẹn sẽ nở rộ bởi tính ưu việt của nó.

3. Học gia sư (Tutor)

Đây là mô hình học tập rất phổ biến tại Việt Nam, có thể nói là “homeschooling” phiên bản Việt. Phụ huynh sẽ thuê gia sư (thường là sinh viên) để kèm 1-1, 1-2 cho con ngay tại nhà. Tuy nhiên, học tại nhà cùng gia sư gần như khác với homeschooling ở mục đích học tập. Nếu như homeschooling hướng đến những chương trình rất riêng biệt thì hình thức gia sư hướng đến bổ trợ kiến thức học tập trên lớp hoặc ôn luyện trước các kỳ thi quan trọng.

Một trong những nguyên nhân khiến mô hình gia sư đang thịnh hành tại nước ta bởi chi phí không quá cao, rất tiện lợi và hoàn toàn phù hợp để bổ trợ chương trình học ở trường. Việc khiến phụ huynh đau đầu chính là tìm gia sư phù hợp với con, giúp con học hiệu quả nhất.

4. Học trực tuyến (online)

Trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, việc học ở trường bị gián đoạn thì học online đang thực sự nở rộ tại Việt Nam. Đi sâu hơn, học online cũng có 2 dạng chính:

– Học online trực tiếp

Học sinh tương tác với giáo viên qua các phần mềm dạy học trực tuyến.

Với học online trực tiếp, có một mô hình rất hay dành cho những bạn muốn rèn luyện khả năng tự học: Massive Open Online Courses – MOOC

Khoá học đại trà trực tuyến mở (Massive Open Online Course – MOOC) được tiên phong bởi các Giáo sư trường ĐH Stanford, và như tên gọi của nó, là một khoá học trực tuyến (online) nhắm tới số lượng lớn người tham gia trên phạm vi rộng lớn (massive), được truy cập miễn phí qua mạng internet (tính mở – open). Do là khoá học trực tuyến, mỗi khoá học có thể thu hút hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người tham dự trên toàn thế giới. Hầu hết các khoá học MOOC là phi tín chỉ (non-credit) và học viên sau khi hoàn thành khoá học có thể được cấp chứng nhận.

Mỗi khoá học MOOC không chỉ gồm tài liệu, hướng dẫn và các video bài giảng chất lượng cao và chuyên nghiệp mà còn đan xen các bài tập hay bài kiểm tra giúp tăng cường việc hiểu và nhớ bài. Ngoài ra tính mở của khoá học thế này còn thể hiện ở khả năng gắn kết và tương tác giữa người dùng – những học viên, giảng viên, trợ giảng qua hình thức diễn đàn trao đổi, tạo nên cộng đồng người dùng.

MOOC chính là một hình thức phát triển của loại hình đào tạo đại học từ xa. Sự phát triển nhanh chóng của MOOC trong những năm gần đây đã khiến cho việc học trở nên dễ dàng cho mọi người, ở mọi nơi và miễn phí.

– Học online gián tiếp

Học qua các chương trình giảng dạy được thu sẵn qua video.  Học sinh sẽ được xem lần lượt các video bài giảng của giảng viên và có bài tập thực hành sau mỗi video. Đây là một trong những hình thức học tập có giá thành rẻ nhất trong tất cả các hình thức học hiện nay, kiểu học này sẽ phù hợp với những học sinh có khả năng ‘tự thân vận động’ cao.

Học qua các ứng dụng trên điện thoại: App học tiếng Anh, app học từ vựng,…

5. Lớp học đảo ngược (Flip Classroom)

Đây là mô hình học tập phổ biến tại Mỹ, đề cao chiến lược học tập và khả năng tự học của học sinh. Khác với cách học truyền thống, giáo viên sẽ cung cấp trước tài liệu học tập cho học viên (thường là qua video). Học sinh sẽ bắt đầu học tập theo hướng dẫn của video để thu thập thông tin và tự thực hành.

Trong mô hình dạy học này, giáo viên có nhiều cơ hội hơn trong quan sát, tiếp xúc để hướng dẫn, đánh giá từng học sinh. Mô hình cũng tạo không gian để học sinh năng động hơn trong việc thu nhận kiến thức, hợp tác với bạn bè và có thể đánh giá được kết quả học tập của bản thân.

Cơ sở của mô hình lớp học đảo ngược dựa trên sáu bậc thang đo nhận thức của Bloom, từ thấp đến cao là: ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Trong lớp học truyền thống, thời gian ở lớp bị giới hạn, là một hằng số, giáo viên chỉ có thể hướng dẫn học sinh nội dung bài học ở ba mức độ đầu của nhận thức là ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Mô hình mới “đảo ngược” mô hình truyền thống, ba mức độ đầu được học sinh thực hiện ở nhà nhờ những băng ghi hình hướng dẫn của giảng viên. Thời gian ở lớp, giáo viên và học sinh sẽ cùng làm việc nhằm đạt ba bậc thang sau của nhận thức như mình họa qua sơ đồ dưới.

Trên đây là 5 mô hình học tập tương đối sát với sự phát triển của giáo dục hiện đại không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Trong tương lai, chúng ta luôn cần cập nhật những xu hướng mới nhất để đa dạng thêm các mô hình học tập, phục vụ tối đa nhu cầu của các thế hệ trẻ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn