Trong cuộc đời mỗi người, chúng ta chắc hẳn đều đã trải qua quãng thời gian đấu tranh tư tưởng, phải lựa chọn giữa một là nuông chiều bản thân – trốn trong vỏ ốc của chính mình; hai là thoát khỏi đó để đến với những thử thách mới. Có những người luôn sẵn sàng với những trải nghiệm cho dù nó khó đến mức nào, nhưng cũng không ít người, dù mất rất nhiều thời gian, vẫn chưa thể ra khỏi vùng an toàn do bản thân tạo ra. Vậy nguyên nhân do đâu, bạn có thực sự cần thoát ra “vùng an toàn” đó hay không và nếu có thì làm như thế nào? Hãy trải nghiệm bài viết này để tìm ra câu trả lời cho chính mình nhé.

 

Chưa cần phải đi đâu xa, chưa cần phải đặt câu hỏi gì to tát cả, nhìn vào những đứa cháu của mình, mình cũng thấy sự khác biệt. Có đứa đến lớp 8, lớp 9 rồi vẫn mải chơi, vẫn mè nheo với em, nó nhìn cuộc đời còn nhiều màu hồng lắm. Bởi nó được cha mẹ bao bọc nhiều, ít phải làm việc nhà, lại thêm cái gia cảnh khá giả, không bị gây áp lực rằng “Con phải học giỏi, phải trở thành ông nọ, bà kia”. Ngược lại, cũng một đứa cháu khác, vẫn là gia cảnh giàu có nhưng lại được cha mẹ rèn giũa ngay từ nhỏ. Nó được mẹ cho đi học tiếng Anh ở những trung tâm đắt đỏ nhất, được dạy là phải phấn đấu để sau này còn đi du học, được làm giám đốc công ty. Dù rằng chưa hiểu hết những điều đó nhưng đứa nhỏ ấy lại luôn được thử thách, có những nỗ lực lớn ngay từ khi còn nhỏ. Từ cấp tiểu học, cháu nó tham gia hết các cuộc thi từ cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc tế mà không chút e ngại. Dường như nó đã trưởng thành trước tuổi, được trải qua những thử thách lớn hơn tuổi thực tế rất nhiều.

Theo mình thấy, có hai trường hợp điển hình khiến các bạn nhỏ nỗ lực lớn đến vậy:

 

  • Thứ nhất là gia cảnh khó khăn nên các bạn ấy phải tự lực từ sớm
  • Thứ hai là sự giáo dục từ gia đình (không phân biệt giàu nghèo nhé). Có sự giáo dục, sự định hướng tốt thì các bạn nhỏ sẽ phát triển từ rất sớm.

Nếu thuộc hai trường hợp trên, bạn có lẽ không phải nghĩ nhiều đến việc “thoát khỏi vùng an toàn” của bản thân mà đang lo đến những vấn đề khác rồi. Ngược lại, nếu bạn còn đang băn khoăn, do dự liệu mình lấy đâu ra động lực để thoát khỏi tư tưởng trì trệ đó thì tiếp tục nhé.

Tại sao bạn cần thoát khỏi vùng an toàn của chính mình?

Một khi bạn đã đặt ra câu hỏi này, có nghĩa là, bạn rất mong muốn thoát khỏi những rào cản mà bạn đang tự tạo ra cho mình. Bạn không mong muốn một cuộc sống bình yên nhưng nhàm chán, thiếu định hướng? Bạn là con trai, là con trưởng trong gia đình với trách nhiệm lớn? Bạn cần động lực để thay đổi bản thân, để kiếm nhiều tiền hơn, để có tư duy tốt hơn, để đạt được mục đích của cuộc đời? 

Thường thì khi còn trẻ, chúng ta đều có ý thức phát triển bản thân, tuy nhiên, mỗi người đều có những nỗi sợ, đều có hoàn cảnh, những rào cản để lấy đó làm lý do cho việc “tự hạn chế phát triển bản thân”.

TÌM KIẾM NGUYÊN NHÂN

 

Như mình đã chia sẻ, cho dù đều là “tự hạn chế bản thân” nhưng mỗi người đều có những lý do riêng gây ra điều đó. Biết rõ nguyên nhân, bạn mới giải quyết đúng hướng được.

Vậy việc đầu tiên bạn cần làm là hãy liệt kê ra những nguyên nhân chính khiến bạn khó bứt phá đến vậy. Muốn làm tốt điều này, bạn cần nhìn nhận thẳng vào vấn đề, nghĩ sâu một chút chứ đừng nhìn phiến diện. Bởi có thể có những nguyên nhân sâu xa mà bạn còn chưa nghĩ tới. Có khi phải mất từ 1 tuần tới cả tháng, bạn mới hoàn thành tốt bước này. Sau khi liệt kê đầy đủ, bạn hãy cắt bớt lại, càng ngắn gọn càng tốt, càng trọng tâm càng tốt.

Lý do chủ quan: 

Có thể chia làm một vài dạng chính:

 

  • Xuất phát từ tính cách, bản chất con người: Bạn là người hướng nội, bạn cảm thấy khó khăn khi giao tiếp, bạn sợ những người giàu có,…
  • Xuất phát từ những khiếm khuyết về ngoại hình: Chiều cao không tốt, bạn không phải người đẹp trai, xinh gái,…
  • Xuất phát từ kỳ vọng bị hạn chế: Bạn rất muốn làm, bạn có cơ hội nhưng bạn đã không làm vì điều gì?

Lý do khách quan:

 

  • Xuất phát từ môi trường giáo dục từ nhỏ (thiếu định hướng, thiếu sự rèn giũa, vấn đề của gia đình,…)
  • Xuất phát từ môi trường hiện tại (có ít người giỏi xung quanh, bạn bè không cố gắng,…)

Hãy liên tục đặt ra những câu hỏi: Tại sao mình quyết định như vậy, tại sao mình sợ điều đó,… để nhìn vào sâu thẳm tâm hồn mình. Khi đó, liên tục đặt câu hỏi xoáy sâu như vậy, bạn sẽ sớm tìm ra những nguyên nhân cốt lõi khiến bạn chìm đắm trong vùng an toàn. 

Theo mình thì lý do chủ quan luôn chiếm chủ đạo và cũng là thứ mà ta hoàn toàn có thể kiểm soát, thay đổi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà ta có thể điều chỉnh song song cả lý do chủ quan lẫn khách quan.

Mình sẽ tiếp tục bài viết bằng một ví dụ tương đối điển hình nhé: Bạn là người không phải hướng nội, bạn đủ nhanh nhẹn nhưng lại lười học tập. Bạn thích giao du với những người như vậy (thích chơi bời, la cà) nên bạn chỉ học cao đẳng. Trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường bạn cũng không học được nhiều, luôn tìm cách qua môn chứ không chịu trau dồi kiến thức. Ra trường bạn cũng chẳng chuẩn bị gì nhiều, chưa có định hướng nên làm tạm ở một nơi bạn không thích với mức lương thấp, sự kèn cựa, chênh vênh, chán nản. Công việc cứ như vậy cả năm trời, bạn ít có sự thay đổi, bạn dần quen với mức lương ít ỏi. Bạn muốn thay đổi nhưng cứ tích cực được một thời gian lại quay về như cũ.

Tất cả những điều trên, ta có thể coi như nguyên nhân khiến bạn rơi vào cái bẫy “an toàn”. Nó nặng nề đến mức bạn muốn thoát ra cũng không thoát ra nổi. Vậy bạn cần làm gì đây? 

Hãy thử tham khảo cách phân vùng sau đây nhé

 

  • Comfort Zone – Vùng an toàn: Tư duy và kỹ năng hạn chế, sợ thay đổi, sợ khó khăn, cảm thấy an toàn.
  • Fear Zone – Vùng sợ hãi: Không có chính kiến, hay viện cớ, thiếu tự tin, không biết mình đang làm đúng hay sai.
  • Learning Zone – Vùng học hỏi: Học kỹ năng mới, rèn luyện bản thân, quen dần với thử thách.
  • Growth Zone – Vùng tăng trưởng, phát triển: Có nhiều mục tiêu mới, sẵn sàng thực hiện mục tiêu, có nhiều động lực để phát triển.

Cách trên phần nào đó giúp bạn đối chiếu với cuộc sống và ý thức của mình hiện tại. Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng tư duy như vậy, phân vùng như vậy là đúng. Nếu bạn thấy hợp lý ở thời điểm này, hãy tham khảo để làm định hướng cho bản thân nhé. 

Bước ra khỏi vùng an toàn luôn là khó nhất. Nó khó bởi ngay sau đó, bạn sẽ đối diện với những nỗi sợ hãi, sự thiếu tự tin ngày một nhiều. Càng muốn phát triển bản thân, bạn càng phải chấp nhận sự yếu kém của chính mình. Càng muốn phát triển, bạn càng phải đối mặt với những thử thách, áp lực về cả thể xác lẫn tinh thần. Chẳng hạn, bạn làm Marketing, bạn muốn giỏi chuyên môn, muốn có sự nghiệp tốt hơn nhưng bạn phải đánh đổi giữa một bên là buổi tối thư thái, cafe với bạn bè và một bên là khoá học về tư duy Marketing không hề dễ nhằn. Sự đánh đổi đó nhìn vẻ bề ngoài đơn giản như một sự lựa chọn. Nhưng, nếu hết lần này đến lần khác, bạn chọn sự nhẹ nhàng thì rất nhiều lần sau đó, bạn càng không có động lực để lựa chọn khó khăn.

Hãy nhận ra mình cần thay đổi trước khi quá muộn…

Đây là câu chuyện diễn ra như cơm bữa với rất nhiều người trong số chúng ta. Khi bạn thấy cần phải nghỉ việc ở công ty ngay lập tức, bạn mới bắt đầu, gấp gáp, tìm định hướng mới. Đến gần 30 tuổi, khi chẳng có gì trong tay, khi cần một ngôi nhà cho cả gia đình, bạn mới có động lực tích luỹ, mới bỏ đi thói tiêu xài hoang phí. Hay với một số người vợ nội chợ ở nhà, khi nhận thấy rằng mình quá phụ thuộc vào nguồn tài chính của chồng, bạn bắt đầu tha thiết muốn tìm việc. Khi gia đình gặp biến cố, bạn mới thấy mình vô dụng, không có gì để đỡ đần người thân. Hãy nhìn nhận trước những vấn đề có thể xảy ra với bạn, với gia đình bạn. Chính đó là cái cớ để bạn phải phấn đấu, phải nỗ lực để thoát khỏi vùng an toàn. Mình tin rằng không ít người đã phần nào nhìn ra những vấn đề của tương lai đang dần hiện hữu, nhưng đúng là nước đến chân mới nhảy. Bạn cần hiểu rằng, bạn luôn có những trách nhiệm không thể chối bỏ: Trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với xã hội. Vậy nên, hãy chuẩn bị thật tốt, hãy sẵn sàng để hoàn thành trách nhiệm của mình khi bạn cần thực hiện nó.

Hành động

 

Trên đây là lý do, là động lực để bạn có mục đích chính đáng thoát khỏi vùng an toàn. Hãy giải quyết cho tốt vấn đề tâm lý, suy nghĩ thật chu đáo trước khi bắt đầu hành trình bứt ra khỏi vùng an toàn các bạn nhé. Chỉ có như vậy, những việc làm của bạn mới chắc chắn, tránh được sự chênh vênh trong quá trình thực hiện.
Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng, để thay đổi bản thân không phải việc bạn có thể làm trong một sớm một chiều. Để thay đổi những thứ lớn lao, hãy thay đổi từ những điều nhỏ nhặt trước. Vẫn là liệt kê một vài việc nhỏ mà bạn có thể làm ngay, nhớ là làm được ngay, đừng chần chừ nữa nhé.

Ví dụ, bạn cần cải thiện sức khỏe, cần có thêm năng lượng, hãy tập thể dục 10 phút mỗi ngày, nâng dần thời lượng lên cho đến một ngưỡng bạn mong muốn (từ 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày chẳng hạn).

Bạn nhận ra công việc hiện tại không phù hợp, hãy tìm hiểu những công việc mới, tìm hiểu từng chút, từng chút để chắc chắn rằng đó là thứ phù hợp với bạn. Sau đó, bạn có thể học thêm tư duy, kỹ năng để sẵn sàng với công việc mới đó.

Bạn cần cải thiện vẻ ngoài của mình, hãy liệt kê ra những mục tiêu cụ thể. Đó có thể là tích luỹ một số tiền để làm lại răng, thời gian chăm sóc da mặt hàng ngày, lộ trình chăm sóc da mặt. Cái gì dễ thì làm luôn.

 

Bí quyết và các bước thực hiện dưới đây các bạn nhé:

  • Cái gì dễ thì làm ngay, nhất định không được trì hoãn
  • Làm từ việc nhỏ tới việc lớn 
  • Luôn luôn có độ lặp lại

Dù là những việc nhỏ nhặt, cơ bản thôi nhưng sau một thời gian, chắc chắn nó sẽ giúp tâm trí của bạn sẽ trở nên thông suốt hơn, việc nỗ lực dần trở nên bình thường và bạn càng có lý do để “vào guồng” phát triển. Kết quả mà bạn nhận được sau thời gian này có khi bằng cả những giai đoạn trước đó cộng lại. Hãy tin rằng, một khi bạn đã đủ nỗ lực, trái ngọt sẽ đến bất cứ lúc nào và ngày càng nhiều hơn. 

Sau khi “dễ chịu hơn” với việc nỗ lực hàng ngày, bạn hoàn toàn có thể lên kế hoạch dài hơi hơn để phát triển bản thân, bao gồm:

 

  • Chăm sóc sức khỏe, cải thiện vẻ bề ngoài
  • Kỹ năng và tư duy làm việc
  • Tích lũy tài chính và đầu tư để hướng đến tự do tài chính
  • Nuôi dưỡng tâm hồn, tích lũy vốn sống để trưởng thành hơn

Xin phép tạm dừng bài viết tại đây các bạn nhé. Bởi sau phần này đã tới giai đoạn phát triển bản thân ở mức cao hơn rồi…

P/s: Tổng kết các bước để thoát khỏi vùng an toàn của bản thân:

 

  • Bước 1: Tìm kiếm nguyên nhân sâu xa bằng cách liệt kê, chọn lọc, giản lược lại những nguyên nhân chính

 

  • Bước 2: Trả lời câu hỏi – Bạn cần thay đổi những gì trước khi quá muộn

 

  • Bước 3: Bắt đầu hành động lập kế hoạch cơ bản để cải thiện bản thân, giải quyết dần những vấn đề đang cản trở bạn. Việc gì đơn giản, làm được luôn thì hãy làm ngay

 

  • Bước 4: Đặt mục tiêu lớn, lập kế hoạch dài hơi để đạt được những mục tiêu của mình.

Chúc các bạn thành công!

 

By Rayleigh Pham – Học viện SunUni

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn